HOTLINE : 1900 6446

Báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm 2025.

Thứ ba, 08/04/2025 10:31

Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm 2025.

Để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp trong quý I năm 2025, Cục Thống kê tiến hành khảo sát 30.426 doanh nghiệp, bao gồm: 6.330 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; 6.239 doanh nghiệp ngành xây dựng; 17.857 doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ, đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát là 29.272 doanh nghiệp[1], chiếm 96,2% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra. Trên cơ sở kết quả điều tra, Cục Thống kê xây dựng báo cáo kết quả khảo sát tình hình SXKD của doanh nghiệp quý I/2025. Báo cáo gồm ba phần:

Phần I: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về tổng quan chung tình hình SXKD của doanh nghiệp quý I/2025 so với quý IV/2024, đánh giá theo ba mức độ: (1) Tốt lên; (2) Giữ nguyên; (3) Khó khăn hơn.

Phần II: Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp như: Nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế; khó khăn về tài chính, lãi suất; thiếu nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng; giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho SXKD; chính sách của Nhà nước; thủ tục hành chính…

Phần III: Đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, phản ánh các đề xuất, kiến nghị, mong muốn của doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng để hoạt động SXKD của doanh nghiệp tốt hơn trong thời gian tới.

PHẦN I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

 Đánh giá về hoạt động SXKD của doanh nghiệp quý I/2025 so với quý IV/2024, có 70,0% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD quý I/2025 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2024 (19,5% tốt hơn và 50,5% giữ ổn định); 30,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn[2]. So với quý trước tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước giảm 9,1%; giữ ổn định tăng 1,8% và khó khăn hơn tăng 7,3%.

1. Theo ngành kinh tế

Ngành thương mại, dịch vụ lạc quan nhất với 73,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt hơn và giữ ổn định (18,1% tốt lên và 55,7% giữ ổn định); 26,2% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn[3].

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 71,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2025 so với quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định (24,1% tốt hơn và 47,2% giữ ổn định); 28,8% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn[4].

Ngành xây dựng có 58,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2025 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2024 (18,8% tốt hơn và 39,4% giữ ổn định); 41,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn[5].

2. Theo loại hình kinh tế

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 72,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2025 so với quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định (24,6% tốt hơn và 48,2% giữ ổn định); 27,2% đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Doanh nghiệp Nhà nước có 71,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định (20,7% tốt hơn và 50,6% giữ ổn định); 28,7% đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 69,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt hơn và giữ ổn định (18,6% tốt hơn và 50,9% giữ ổn định); 30,5% đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Hình 1. Đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh
quý I/2025 so với quý IV/2024


 3. Chỉ số cân bằng

Đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ số cân bằng[6]. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá theo các yếu tố quan trọng phản ánh tình hình hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xây dựng và ngành thương mại, dịch vụ.

3.1. Chỉ số cân bằng chung

Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý I/2025 so với quý IV/2024 là -10,5% (19,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn; 30,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn)[7].

Theo ngành kinh tế, chỉ số cân bằng[8] của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khả quan nhất với chỉ số cân bằng là -4,7%; ngành xây dựng và ngành thương mại, dịch vụ khó khăn hơn với chỉ số cân bằng lần lượt là -23,0% và -8,1%.

Theo loại hình kinh tế, chỉ số cân bằng[9] của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khả quan nhất với chỉ số cân bằng là -2,6%; tiếp đến doanh nghiệp Nhà nước là -8,0% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước là -11,9%.

Hình 2. Chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh
quý I/2025 so với quý IV/2024


3.2. Chỉ số cân bằng thành phần

a) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý I/2025 so với quý IV/2024 là -6,0% (23,3% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng, 29,3% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI là 0,5%; khu vực doanh nghiệp nhà nước -8,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -8,9%.

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý I/2025 so với quý IV/2024 là -5,9% (11,9% doanh nghiệp nhận định tăng, 17,8% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 0,8% (20,1% tăng, 19,3% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -8,0% (8,9% tăng, 16,9% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -8,8% (8,3% tăng, 17,1% giảm).

Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý I/2025 so với quý IV/2024 là -5,5% (25,2% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng; 30,7% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 2,8% (29,0% nhận định tăng, 26,2% nhận định giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước với -8,9% (23,9% nhận định tăng, 32,8% nhận định giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với -9,2% (23,5% nhận định tăng, 32,7% nhận định giảm).

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý I/2025 so với quý IV/2024 là -7,2% (19,2% doanh nghiệp nhận định tăng và 26,4% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI là -3,3% (21,9% tăng, 25,2% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -8,9% (18,0% tăng, 26,9% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -10,5% (17,2% tăng, 27,7% giảm).

b) Ngành xây dựng

Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý I/2025 so với quý IV/2024 là -21,2%[10] (17,8% doanh nghiệp nhận định tăng; 39,0% nhận định giảm).

Chỉ số cân bằng tổng chi phí cho hoạt động xây dựng quý I/2025 so với quý IV/2024 là 2,4%[11] (33,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 31,3% nhận định giảm).

Chỉ số cân bằng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp quý I/2025 so với quý IV/2024 là 10,8%[12] (38,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 27,5% doanh nghiệp nhận định giảm).

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý I/2025 so với quý IV/2024 là -14,5%[13] (14,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 29,2% nhận định giảm).

PHẦN II. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP[14]

 1. Thuận lợi

Quý I/2025, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và các văn bản điều hành liên quan[15];. Các chính sách pháp luật được thực thi kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chỉ có 2,2% doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các chính sách pháp luật của Nhà nước và 1,6% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu năng lượng cho SXKD.

2. Khó khăn

Kết quả khảo sát đánh giá của các doanh nghiệp đối với các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,9% và 43,4% (tỷ lệ tương ứng của quý III/2024 là 51,9% và 42,1%; của quý IV/2024 là 51,9% và 44,3%).

Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng có 50,7% số doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”, tăng 6,0% so với quý IV/2024 và tăng 5,7% so với quý III/2024.

2.1. Phân tích theo yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh

– Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp với 25,7% số doanh nghiệp lựa chọn (giảm 0,1% so với quý IV/2024).

– Khó khăn về vốn cho SXKD được 17,6% số doanh nghiệp lựa chọn (giảm 0,9%); 17,1% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn vẫn còn cao (giảm 0,1%).

– Về nguyên, nhiên, vật liệu: 18,6% số doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu (tăng 0,9%).

– Về thủ tục hành chính: 14,0% số doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp (giảm 0,4%).

– Về lao động: 11,3% số doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (tăng 0,9%).

– Đánh giá về năng lực nội tại của doanh nghiệp: Có 6,6% số doanh nghiệp nhận định gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiết bị, công nghệ lạc hậu (giảm 0,2%).

       Hình 3. Đánh giá của doanh nghiệp về các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý I/2025


2.2. Theo ngành kinh tế

a) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo kết quả khảo sát, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 51,8% và 51,1%[16]. Bên cạnh đó, 30,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 24,3% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 23,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp; 20,9% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn vẫn còn cao; 18,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động SXKD; 14,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiết bị, công nghệ lạc lậu; 8,4% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ có 3,0% doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và 1,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu năng lượng.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số khó khăn lớn nhất của các nhóm ngành như sau:

– Đối với nhóm ngành dệt, may, da giày: khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quý I/2025 là đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thị trường thấp và lao động có tay nghề. Có tới 60,5% doanh nghiệp ngành dệt cho biết gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp, tỷ lệ tương ứng ở ngành sản xuất trang phục và ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan lần lượt là 28,1% và 21,0%. Có 47,5% doanh nghiệp dệt, 49,1% doanh nghiệp sản xuất trang phục và 54,3% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Về khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu: doanh nghiệp sản xuất trang phục có 54,8%; doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là 38,2% và doanh nghiệp dệt là 28,3%.

– Đối với ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các sản phẩm từ xi măng): Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là nhu cầu thị trường trong nước thấp trong khi việc cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng cao. Bên cạnh đó, khó khăn về vốn, nguyên, nhiên vật liệu cũng là một trong những rào cản lớn của các doanh nghiệp. Có tới 66,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành; 65,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 30,3% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và 28,0% doanh nghiệp khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu.

– Đối với nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống[17]: Bên cạnh khó khăn chung của các doanh nghiệp về vốn, về thị trường đầu ra và việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp còn gặp phải vấn đề liên quan tới nguồn nguyên vật liệu và chính sách pháp luật của Nhà nước. Có tới 36,5% doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên vật liệu đầu vào, 24,5% doanh nghiệp sản xuất đồ uống gặp khó khăn do chính sách pháp luật của Nhà nước.

– Đối với nhóm ngành điện, điện tử: Mặc dù nhóm ngành này có sự phục hồi rất tích cực trong quý I/2025, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn đến từ nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp, thiếu hụt lao động có kỹ năng, khó khăn về vốn và tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao. Có tới 49,1% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và 39,6% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Về thị trường trong nước thấp, tỷ lệ gặp khó khăn của 2 ngành lần lượt là 36,6% và 44,5%. Về lao động có kỹ năng, có 35,4% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và 28,7% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.

– Đối với nhóm ngành sản xuất ô tô, xe máy: Bên cạnh khó khăn về vốn, thị trường đầu ra, lao động, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do thiết bị công nghệ lạc lậu. Về thị trường trong nước: Có tới 60,7% doanh nghiệp sản xuất phương tiện vận tải khác (xe máy) và 51,9% doanh nghiệp sản xuất xe có động cơ (ô tô) gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 49,1% doanh nghiệp sản xuất xe máy và 39,6% doanh nghiệp sản xuất ô tô gặp khó khăn do tính cạnh tranh của hàng trong nước cao. Về thị trường nước ngoài: Có 35,9% doanh nghiệp sản xuất ô tô gặp khó khăn do thị trường quốc tế thấp. Ngoài ra, có 22,3% doanh nghiệp sản xuất xe máy gặp khó khăn do thiết bị công nghệ lạc hậu. Về lao động: 30,4% doanh nghiệp sản xuất xe máy và 23,6% doanh nghiệp sản xuất ô tô khó khăn trong tuyển dụng lao động theo yêu cầu.

Hình 4. Đánh giá của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
về các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý I/2025


b) Ngành xây dựng

Hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng là “không có hợp đồng xây dựng mới” với 50,7% số doanh nghiệp lựa chọn và “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 47,1% doanh nghiệp lựa chọn. Có 26,1% doanh nghiệp nhận định do năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế; 25,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn; 21,4% doanh nghiệp thiếu vốn cho hoạt động SXKD; 18,8% gặp khó khăn do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; 18,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm; 15,1% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng; 14,7% doanh nghiệp ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi; 14,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp và 11,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do không biết đến các thông tin đấu thầu.

Hình 5. Đánh giá của doanh nghiệp ngành xây dựng
về các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý I/2025


c) Ngành thương mại, dịch vụ

Hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ là “Nhu cầu thị trường trong nước thấp”[18] với 55,7% số doanh nghiệp lựa chọn và “Tính cạnh tranh của thị trường trong nước cao”[19] với 46,7% số doanh nghiệp lựa chọn. Tiếp đến 18,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất sản phẩm dịch vụ và các chi phí kho, bãi tăng cao; 15,7% doanh nghiệp nhận định do lãi suất vay vốn cao; 14,5% doanh nghiệp gặp khó khăn trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; 14,0% doanh nghiệp khó khăn về tài chính cho hoạt động SXKD; 12,4% gặp khó khăn do thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo; 5,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp; 5,8% gặp khó khăn do không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và 3,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiết bị công nghệ lạc hậu.

Hình 6. Đánh giá của doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ
về các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý I/2025


PHẦN III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP

 1. Đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp

1.1. Đề xuất, kiến nghị chung của doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD trong quý II/2025, theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong SXKD như sau:

– Về lãi suất: Để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho SXKD, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 40,5%.

– Về chính sách thuế, phí, lệ phí: 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách Nhà nước phù hợp; 17,8% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất phục vụ SXKD.

– Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất: 24,0% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 30,5% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho SXKD.

– Về điều kiện và thủ tục vay vốn: 26,1% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn.

– Về thủ tục hành chính; 25,0% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

– Về thị trường đầu ra: 26,2% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 19,3% doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng; 18,9% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Hình 7. Đề xuất, kiến nghị, mong muốn của doanh nghiệp
hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh


1.2. Kiến nghị của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế

a) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

– Về lãi suất: 40,4% doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay.

– Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất: 28,3% doanh nghiệp kiến nghị cần bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho SXKD; 24,0% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu.

– Về thủ tục hành chính: 25,1% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

– Về điều kiện và thủ tục vay vốn: 22,8% doanh nghiệp kiến nghị cần cắt giảm điều kiện, thủ tục vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD kịp thời và hiệu quả hơn.

– Về các điều kiện hỗ trợ SXKD: 19,3% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; 19,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng dịch vụ; 13,0% doanh nghiệp kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ SXKD; 17,8% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất phục vụ SXKD; 9,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ, phòng vệ thương mại và các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; 11,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; 11,7% doanh nghiệp kiến nghị cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, liên tỉnh; 8,0% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nhận chuyển giao công nghệ; 6,7% doanh nghiệp kiến nghị có quy hoạch vùng nguyên liệu cho SXKD và 6,7% doanh nghiệp kiến nghị tăng cường cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ tốt cho SKXD.

– Về lao động: 15,2% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề người lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất mới.

– Về thị trường đầu ra: 21,5% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, tuyên truyền để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 18,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

           Hình 8. Đề xuất, kiến nghị, mong muốn của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh


b) Ngành xây dựng

– Có 48,2% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng;

– Có 43,5% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay;

– Có 43,0% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu công khai, minh bạch;

– Có 35,7% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính;

– Có 27,6% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để DN xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động SXKD;

– Có 27,2% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.

Hình 9. Đề xuất, kiến nghị, mong muốn của doanh nghiệp
ngành xây dựng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh


Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương:

Thứ nhất, giá nguyên vật liệu xây dựng trong quý I/2025 được ghi nhận có diễn biến phức tạp, tăng so với thời điểm cuối năm 2024 và tiếp tục được dự đoán sẽ tăng trong quý II/2025. Vì vậy, doanh nghiệp xây dựng mong muốn Chính phủ, bộ, ngành và các cấp có thẩm quyền có những biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu;

Thứ hai, tình trạng thiếu hợp đồng xây dựng mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng sẵn sàng giảm giá gói thầu để trúng thầu, mặc dù dự toán gói thầu được các chủ đầu tư căn cứ trên đơn giá, định mức bám sát thị trường. Với việc giảm giá gói thầu như vậy dẫn tới chất lượng công trình bị giảm, nhà thầu bỏ dở công trình, … ảnh hưởng tới tiến độ công trình. Vì vậy, cần có giải pháp để hạn chế hiện tượng phá giá để trúng thầu, tạo môi trường đấu thầu lành mạnh, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng;

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã được cải thiện rất đáng kể. Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng vẫn mong muốn việc cải cách phải thực hiện đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương nhất là trong bối cảnh đất nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

c) Ngành thương mại, dịch vụ

­– “Giảm lãi suất cho vay” là yếu tố được các doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ kiến nghị nhiều nhất với tỷ lệ 40,5%.

– “Có các biện pháp kích cầu trong nước” được 36,9% doanh nghiệp kiến nghị.

– “Bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ” được 25,1% doanh nghiệp lựa chọn.

– “Điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách Nhà nước phù hợp” với 24,3% doanh nghiệp kiến nghị.

Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính (21,2%); cắt giảm thủ tục, rào cản và điều kiện vay vốn (21,1%); tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới (19,1%); cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, liên tỉnh (10,7%) là các yếu tố tiếp theo được các doanh nghiệp kiến nghị.

Hình 10. Đề xuất, kiến nghị, mong muốn của doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ
hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh


2. Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong quý I/2025, các doanh nghiệp hoạt động SXKD còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước còn thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, đây là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất và các chi phí đầu vào SXKD (thuê kho, bãi; lãi suất…), nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, lãi suất cao, khó tiếp cận vốn vay, các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, không tuyển được lao động theo yêu cầu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp… Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển tốt trong thời gian tới, Cục Thống kê có một số đề xuất, kiến nghị sau:

Một là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Hai là, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.

Ba là, các bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm.

Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Tích cực, chủ động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Bốn là, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, quy định pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và tiền thuê đất…

Năm là, đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số bao trùm, “chuyển đổi kép”[20]; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, kinh doanh bao trùm, hướng tới dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường kinh tế số và xanh, bao trùm./.

--------------------------

[1] Số lượng doanh nghiệp (DN) trả lời khảo sát gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6.081 DN (chiếm 96,1%); ngành xây dựng 6.003 DN (chiếm 96,2%); ngành thương mại, dịch vụ 17.188 DN (chiếm 96,3%), trong đó: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 8.640 DN (chiếm 97,9%), ngành vận tải 2.326 DN (chiếm 95,8%), dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.193 DN (chiếm 94,9%), ngành thông tin, truyền thông và chuyên môn khoa học công nghệ 2.877 DN (chiếm 93,9%).

[2] Quý IV/2024: 77,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt hơn và giữ ổn định (28,6% tốt lên và 48,7% giữ ổn định); 22,7% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

[3] Chỉ số tương ứng của ngành dịch vụ quý IV/2024: 77,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (24,9% tốt hơn và 52,7% giữ ổn định); 22,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

[4] Chỉ số tương ứng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2025: 79,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (38,0% tốt hơn và 41,8% giữ ổn định); 20,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

[5] Chỉ số tương ứng của ngành xây dựng quý IV/2024: 66,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024 (29,9% tốt lên và 43,8% giữ ổn định); 26,3% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

[6] Chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm.

[7] Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý III/2024 là -4,7% (23,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn; 28,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng chung quý IV/2024 là 5,9% (28,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn; 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn).

[8] Chỉ số cân bằng quý III/2024 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 12,0%; ngành xây dựng -7,8% và ngành thương mại, dịch vụ -9,5%. Lần lượt tương ứng quý IV/2024 là 17,8%; 3,6% và 2,5%.

[9] Chỉ số cân bằng quý III/2024 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3,6%; doanh nghiệp Nhà nước -3,6% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước -6,1%. Quý IV/2024 lần lượt là 9,2%; 6,1% và 5,3%.

[10] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024 là 3,8% (25,5% doanh nghiệp dự báo tăng; 21,7% dự báo giảm).

[11] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024 là 32,7% (47,8% doanh nghiệp dự báo tăng và 15,1% dự báo giảm).

[12] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024 là 35,1% (48,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 13,8% dự báo giảm).

[13] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024 là 29,3% (42,8% doanh nghiệp dự báo tăng và 13,5% dự báo giảm).

[14] Một doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều nhiều yếu tố ảnh hưởng.

[15] Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên

[16] Quý III/2024: 53,0% doanh nghiệp lựa chọn “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và 50,6% doanh nghiệp lựa chọn “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”. Tỷ lệ tương ứng trong quý IV/2024 lần lượt là 53,0% và 51,2%.

[17] Có tới 66,4% doanh nghiệp sản xuất đồ uống và 54,7% doanh nghiệp chế biến thực phẩm gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp. Nguyên nhân do tính cạnh tranh cao của các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành trong nước lần lượt được các doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 76,2% và 56,0%.

[18] Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp: ngành Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là 57,0%; Vận tải kho bãi: 49,2%; Lưu trú, ăn uống, lữ hành: 59,4%; Thông tin, truyền thông và chuyên môn khoa học công nghệ: 56,1%; Dịch vụ khác: 55,0%.

[19] Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết khó khăn do tính cạnh tranh của thị trường trong nước cao các ngành trên lần lượt là: 48,7%; 43,7%; 47,4%; 47,1%; 41,0%.

[20] Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh và bao trùm.

(Tổng cục Thống kê)